Thursday 25 October 2018

Sơn Ca (đảo) – Wikipedia tiếng Việt


Sơn Ca là một đảo cát nhỏ thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đảo này nằm cách đảo Ba Bình và cảng Cam Ranh lần lượt là 6,2 hải lý (11,5 km) và 331 hải lý (613 km) về phía đông.

Đảo Sơn Ca là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Hiện Việt Nam đang kiểm soát đảo này như một phần của xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.[1] (xã Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa được thành lập năm 2007 trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo, đá, bãi phụ cận)[2] Trên đảo có một ngọn đèn biển cao 41 m.[3]





  • Tên gọi: đảo Sơn Ca; tiếng Anh: Sand Cay; tiếng Filipino: Bailan; tiếng Trung: 敦謙沙洲; bính âm: Dūnqiān shāzhōu, Hán-Việt: Đôn Khiêm sa châu

  • Đặc điểm: hình bầu dục, nằm theo trục tây bắc-đông nam với địa hình nhô cao ở giữa và thoải dần về thềm san hô bao quanh. Đảo dài khoảng 450 m, rộng khoảng 102 m, đạt độ cao từ 3,5 đến 3,8 mét khi thủy triều xuống thấp nhất và có diện tích 7 ha (0,07 km2).[4] Thuỷ triều nơi đây tuân theo chế độ nhật triều. Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) nói với hãng tin Reuters rằng họ có các hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đã bồi đắp thêm 21 ngàn mét vuông cho đảo Sơn Ca[5].

Đảo Sơn Ca không có nguồn nước ngọt tự nhiên. Đất đai trên đảo là cát san hô phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân chim nên màu mỡ hơn các đảo khác. Thảm thực vật tại đây đa dạng và xanh tốt với các loài bàng vuông, muống biển, phi lao, sồi và một số loài cỏ thân mềm có nguồn gốc tự nhiên hoặc do con người mang từ đất liền ra. Một vài loài cây ăn quả như bưởi, mít, na, ổi và thanh long cũng đang được trồng mới.[6] Vùng biển xung quanh đảo có nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như cá chim, cá mú, cá ngừ, cá thu cùng các loài ốc và hải sâm. Chim chóc cũng thường ghé thăm đảo này. Khí hậu của đảo mang đặc trưng của khu vực Trường Sa với mùa hè mát và mùa đông ấm; mùa khô bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5 còn mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Nhiều tàu thuyền từ ven biển Việt Nam và các nước trong vùng đến đánh bắt, khai thác và chế biến hải sản trong mùa khô khi thời tiết thuận lợi.




  1. ^ Theo liệt kê trong Phụ lục I của Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ CHXHCNVN về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

  2. ^ Nghị định số 65/2007/NĐ-CP ngày 11 Tháng 04 năm 2007 của Chính phủ CHXHCNVN về việc điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Cam Ranh và huyện Diên Khánh để thành lập huyện Cam Lâm; điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập xã, thị trấn thuộc các huyện: Cam Lâm, Trường Sa và mở rộng phường Cam Nghĩa thuộc thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà

  3. ^ Phạm Thanh Hà; Lưu Phương Mai (9 tháng 5 năm 2011). “Ký sự Trường Sa - kì 3: Nơi anh đến là biển xa...”. Nhân dân Điện tử. 

  4. ^ Hancox, David; Prescott, Victor (1995). A Geographical Description of the Spratly Islands and an Account of Hydrographic Surveys amongst Those Islands. Maritime Briefings 1. University of Durham, International Boundaries Research Unit [Đại học Durham, Bộ phận Nghiên cứu Biên giới Quốc tế]. tr. 8. ISBN 1897643187. 

  5. ^ “VN phản đối TQ về 'xây dựng trên biển'”. 

  6. ^ Nguyễn Đình Quân (27 tháng 12 năm 2011). “Sơn Ca Xanh”. Tiền phong. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2012. 



  • Cao Văn Quý (chủ biên), Đảo Sơn Ca xây dựng chiến đấu và trưởng thành 1975-2007, nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2007

  • Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía nam (DK1). Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Hải quân), 2011







No comments:

Post a Comment